Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, dự kiến thị trường lao động sau Tết, nhu cầu tuyển dụng ở lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành Công nghệ thông tin, điện – điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; kinh doanh – bán hàng; marketing; tư vấn – chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn,…
Trung tâm Dịch vụ việc làm đánh giá, nét nổi bật của thị trường lao động sau Tết là các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh vào năm 2023. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Dự kiến, tại TPHCM, trong tháng 1.2023 có 3.450 vị trí việc làm mới và dự kiến trong quý 1.2023 có 11.550 vị trí việc làm mới tập trung ở các ngành nghề: lao động phổ thông, da giày – may mặc, chế tạo – chế biến, dịch vụ, kế toán – kiểm toán,…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1.2023 khoảng 377.700 người, con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua, tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai… Điều này sẽ góp phần tạo nên sự cân bằng về cung cầu lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2023 vẫn là một năm dự báo sẽ nhiều biến động với thị trường lao động.
Dự báo về cung cầu lao động trong năm 2023, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) kỳ vọng nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực.
Những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Sản xuất chế biến gỗ, da giày, may mặc… dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023.
“Tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc” – ông Quảng nói.
(Theo báo lao động ngày 26/1/2023)